31 tháng 1 2013

XUÂN ĐANG VỀ TRÊN TRƯỜNG SA UYÊN ƠI!



(Viết tặng Nguyễn Phương Uyên)

Uyên ơi!
Xuân Quý Tỵ đang về
Trên Trường Sa xa xôi
Những tia nắng đầu xuân
Giăng giăng tràn mặt biển
Những cánh én lượn chao
Báo hiệu mùa xuân đến
Sóng êm ru mạn tàu
Lời ước hẹn
Nơi xa

Em biết không?
Anh đang đứng trên mũi tàu tuần tra
Cả đêm ngày chạy vòng quanh quần đảo
Gạc Ma kìa nơi anh Phương đổ máu
Hai mươi lăm năm rồi
Ngày 14 tháng Ba[1]
Khi giặc Tàu sang xâm lăng
Biển đảo của chúng ta
Ơi người thiếu úy
Quê Quảng Bình yêu dấu!
Xuân đã về giữa Trường Sa thơm máu!

Ngày nào giặc Tàu
Cũng ngang ngược vào ra
Nên trước mũi tàu của các anh
Luôn luôn dương súng ngắm
Nhưng đã có lệnh trên về  
“Không được bắn!”
Trong sâu thẳm tim can
Đau đớn lắm Uyên ơi!
Hỏi đây còn chăng
Là biển đảo, đất trời?
Của ông bà tổ tiên
Trải ngàn năm giữ nước
Hay ai đó đã chấp nhận “đường lưỡi bò”
Của bè lũ Bắc Kinh xâm lược?

Mỗi lần tàu cá của ngư dân
Vào tránh bão giữa Hoàng Sa Uyên ơi!
Luôn bị quân Trung Quốc
Đuổi ra giữa mênh mông biển cả!
Vậy mà ngày 7/1/2013 [2]
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh
Đã nồng nhiệt đón chào ba “tàu lạ”
Ba chiến hạm Trung Quốc
Tám trăm thủy thủ đoàn
Từng quậy phá giữa Biển Đông
Hỏi thành phố Hồ Chí Minh bây giờ
Có còn thuộc Việt Nam không?

Tết năm nay Uyên ơi!
Chắc trong trại giam em buồn lắm!
Nhưng làm sao buồn bằng các anh
Cầm súng trong tay không được bắn
Chỉ được ngắm nhìn
Lũ Hán tặc cuồng ngông
Đang lấn dần biển đảo của cha ông!
Em nghe chăng lời một quan chức biện hộ
“Do yêu chuộng hòa bình
“Nên chúng ta nhượng bộ!
“Chỉ đàm phán song phương
“Vì chúng ta là đồng chí đồng lòng!”
Ôi! Khác nào lời tuyên bố “tự hàng” không?
Của cái vị tướng ba sao lơ láo kia
Theo nghiệp cha “yêu nước”!

Ôi Uyên ơi!
Thương em quá
Nên nhiều đêm anh thao thức!
Em không biết thật ư?
Nay người ta coi “đòi Hoàng Sa”
Là “chống đảng, chống nhân dân”?
Là “theo Tây đòi dân chủ nhân quyền”?
Để lấp liếm tội đã đem biển đảo trao dâng  
Gần năm mươi lăm năm về trước!
Nhưng lịch sử chưa công khai
Nên sao Uyên biết được!
Em chỉ vì yêu nước hồn nhiên
Mà bị oan trái tù đày!
Khác nào anh
Nay cầm súng trong tay
Nếu muốn bắn?
Nhằm thẳng đầu mình mà bắn!

Tết Quý Tỵ đang về Uyên ơi anh buồn lắm!
Hoàng-Trường Sa nay có còn của chúng ta?
Ôi thương quá các anh Ngụy Văn Thà
Trần Văn Phương... lâm trận!
Đã dâng trọn tuổi trẻ máu xương
Cho biển đảo khơi xa!

Đảo Sơn Ca, 30/1/2013
Nguyễn Hàm Thuận Bắc

[1]- Ngày 14/3/1988, thiếu úy Trần Văn Phương (Quảng Bình) đã anh dũng hi sinh tại Đảo Gạc Ma khi giặc Tàu vào xâm lược quần đảo Trường Sa. Ngày 19/1/1974, thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà đã hi sinh tại Hoàng Sa khi giặc Tàu vào xâm lược Hoàng Sa.

[2]- Ngày 7/1/2013, ba chiến hạm của Trung Quốc gồm hai tàu khu trục hạm có trang bị tên lửa và một tàu hậu cần với 800 thủy thủ đoàn cập cảng Sài Gòn của TP Hồ Chí Minh đã được các vị lãnh đạo thành phố đón tiếp nồng nhiệt. Đau đớn thay ngày 8/1/2013, 20 tàu cá của ngư dân Việt Nam vào đảo Bom Bay, Hoàng Sa để tránh bão đã bị giặc Tàu đuổi ra giữa biển khơi đành phải chịu cảnh sống chết mặc bay! 

(Nguồn: Blog Nguyễn Tường Thụy)




SAO ÔNG KHÔNG VỀ VỚI HÁNG ĐỒNG VÀI BUỔI?


Lời Dẫn: VTV1 trong chương trình “Chào Buổi Sáng” ngày 12/1/2013 đã đưa một phóng sự rất nóng lên truyền hình về chuyện hơn một trăm em học sinh cấp 1-2 của xã vùng cao Háng Đồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đang phải tá túc trong những căn lều tuềnh toàng dựng tạm bên sườn núi trong giá rét, nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ C, có hôm ban đêm xuống dưới 4 đô C. Lều tạm nơi các em ở không có cánh cửa, các em phải trèo lên vách để chui ra chui vào bằng một lỗ hổng gần mái lều. Các em phải nằm trên các tấm ván trải trên sàn nhà với những tấm chăn mỏng. Ban đêm những hôm trời mưa, mái lều bị dột nước lênh láng sàn nhà, các em phải đốt lửa lên để sưởi ấm suốt đêm.

Những em bé người Mông trên dưới 10 tuổi vụng về đã nấu cơm bằng cái nồi mất vung, nửa sống nửa nát. Thức ăn chủ yếu là măng rừng với muối vì nhà cách trường tới vài chục cây số đường rừng nên vài ba tháng các em mới về nhà lấy gạo và thức ăn được. May mắn lắm thì các em mới bẫy được vài con chuột để “cải thiện”. Nhưng với các em, một nỗi sợ còn lớn hơn “an toàn thực phẩm” của thịt chuột, đó là “sợ gió, sợ những cơn mưa rừng, và rất sợ mùa đông”…Sau đây, tôi xin trân trọng gửi tới quí vị độc giả gần xa một bài viết qua lời của một cô giáo người Mông dạy ở trường Háng Đồng của các em.

SAO ÔNG KHÔNG VỀ VỚI HÁNG ĐỒNG VÀI BUỔI?

Kính gửi: Ông Bộ Trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận.

Ông ơi!
Sao ông không về với Háng Đồng vài buổi?
Nơi núi non cao chót vót chạm mây trời
Đi công tác về Sơn La khác nào đi du ngoạn
Lại được ăn ngon, ngủ nhà thoáng, được chơi...

Để thoát khỏi những lo toan bề bộn
Giữa vòng vây của tiền bạc, chức danh
Về sống ít ngày giữa không gian yên tĩnh
Nhỡ biết đâu đầu bạc hóa đầu xanh!

Về mà xem gái Mông nơi quê em đẹp lắm
Má trắng hồng, mắt long lanh hơn các bạn gái Hoa
Dù diêm dúa phấn son giữa Bắc Kinh hảo hảo
Vẫn thua con gái bản Mông trên triền núi Sơn La

Đẹp như thế nên mới sinh ra những đứa con kì diệu
Dù giá rét như dao cắt các em nhỏ vẫn ở trường
Cơm nấu bằng nồi không vung, thức ăn là măng nứa
Còn bẫy được chuột đồng làm mĩ vị cao lương!

Ở Hà Nội đêm nào cũng dùng điều hòa sưởi ấm
Ông phải sống trong nhà xây nên bức bí vô cùng
Về Háng Đồng để biết thêm những tấm lòng chân thật
Của các em học sinh yêu con chữ người Mông

Lều không cần xây, vách ghép sơ sài bằng ván gỗ
Mái giấy dầu hoặc lợp tôn do cha mẹ dựng tạm cho
Rét ngoài trời vừa rồi có đêm ba bốn độ
Áo quần mặc sơ sài đắp chăn mỏng co ro!

Có hôm đêm trời mưa nước đầy nền không ngủ được
Các em đã lấy củi đốt lên để ngồi sưởi suốt đêm
Có đứa đã ngủ quên lửa cháy quần hoảng loạn
Làm cả lều được cuộc vui cùng nhảy múa qua đêm!

Sống giữa thiên nhiên mới biết thế nào là hạnh phúc
Không phe nọ diệt phái kia bằng thủ đoạn mưu mô
Diệt chuột để giúp đời lại được thịt ăn ngon tẩm bổ
Chịu rét đã quen rồi lớn lên đi đánh giặc chẳng còn lo!

Nhiều em có ông nội là lính Điện Biên đánh Pháp
Có em bác đã hi sinh Năm Bảy Chín đánh Tàu
Nhà không đủ cơm ăn được chính quyền nuôi đi học
Mỗi tháng năm trăm ngàn mua sách vở gạo rau...

Thế cũng đủ rồi ông ơi, vì đất nước mình còn nghèo lắm!
Nơi bản làng Mông nhiều trẻ em đâu đã được đến trường
Vì cha mẹ ốm đau nên tết đến trẻ con còn đứt bữa
Hãy về đây với bản Mông em, ôi trăm nhớ ngàn thương!

Ông ơi!
Chúng em hứa sẽ dạy cháu con chăm ngoan và học giỏi
Để nay mai góp sức xây đất nước được mạnh giàu
Để thực hiện những ước mơ của nhà thơ Tố Hữu
Gần 60 năm qua rồi mà còn xót xa đau!

“Các em ơi, đã học chưa?
“Các anh dựng cho em trường mới nữa
“Chúng nó sẽ chẳng còn mong dội lửa
“Trường các em đứng giữa đồi quang
“Tiếng các em thánh thót quanh làng”[1]

Ông ơi! Hồi xưa ông có được đến trường không?
Sao không thuộc cái bài thơ mà cha ông em đã thuộc?
Hay khổ thơ trên không phải viết cho con em dân tộc?
Nên ông không cấp tiền xây trường nội trú của người Mông!

Ở Hà Nội, em thấy nhiều trường khang trang lắm
Tại nơi đó con cháu các quan đang theo học, phải không?[2]
Hay các địa phương gạt ông bớt xén tiền mà ông không hay biết?
Làm Bộ Trưởng thời bây giờ dễ bị lừa lắm phải không ông?

Hà Nội, 21/1/2013
Ts. Đặng Huy Văn

[1]- Trích bài thơ nổi tiếng “Ta Đi Tới” của nhà thơ Tố Hữu, sáng tác 1954.

[2]- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quê tại xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

(Nguồn: Nguyễn Tường Thụy Blog)




18 tháng 1 2013

LỜI THƯƠNG TỪ BÀ QUẢ PHỤ NGỤY VĂN THÀ



Lời Tác Giả:  Chỉ còn đúng một ngày nữa là tròn 39 năm ngày Hoàng Sa bị quân xâm lược Trung Quốc cưỡng chiếm. Ngày 19/1/1974 đó đã được đánh dấu bằng một trận Hải Chiến Hoàng Sa oanh liệt giữa Hải Quân VNCH với quân Trung Quốc xâm lược. Do phía Trung Quốc có lực lượng đông, chuẩn bị kĩ lại được Hoa Kỳ bật đèn xanh và Miền Bắc làm ngơ, nên Hải Quân VNCH đã thất bại! Nhưng tấm gương chiến đấu dũng cảm và xả thân vì Tổ Quốc của các chiến sĩ ta thì muôn đời sau sẽ được lịch sử ghi danh.

Đặc biệt trong trận Hải Chiến Hoàng Sa đó, Thiếu Tá HQ Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 đã mưu trí dũng cảm hạ gục được hai chiến hạm 389 và 396 của bọn Trung Quốc xâm lược. Nhưng HQ 10 cũng đã bị hư hỏng nặng, nhiều chiến sĩ hi sinh và bị thương trong đó có Đại Úy Hạm Phó Nguyễn Thành Trí. Lúc đó, Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã quyết định chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và các anh đã tiếp tục nã đạn vào các chiến hạm của TQ. Cuối cùng các anh đã bị chết chìm cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 19/1/1974, tức ngày 27 tết Giáp Dần! Quân ta đã có 74 chiến sĩ hi sinh anh dũng.

Nhân dịp này, tôi xin trân trọng gửi tới quý vị độc giả gần xa một bài viết để tưởng nhớ Thiếu Tá HQ Ngụy Văn Thà phỏng theo lời kể của bà quả phụ Ngụy Văn Thà, bà Huỳnh Thị Sinh nay vẫn còn sống tại Sài Gòn cùng các con cháu.

LỜI THƯƠNG TỪ BÀ QUẢ PHỤ NGỤY VĂN THÀ

(Phỏng theo lời kể của bà Huỳnh Thị Sinh)

Anh ơi nhớ chăng?
Hôm đó ra đi anh đã quay về mấy bận
Nói đang sửa tàu hư, rồi anh gọi em hoài!
Từ chung cư Nguyễn Kim ngó xuống nhìn
Em đã thấy anh xách va li quay lại
Và gọi với lên “Tàu còn sửa đến mai!”
Nhưng tàu sửa xong ngay và anh đi, đi mãi
Đi đến tận bây giờ rồi ở mãi “Chốn Bồng Lai”!

Em đã quen với những cuộc ra đi như vậy
Nay Vũng Tàu, Nha Trang mai Đà Nẵng, Hoàng Sa
Được ở nhà mươi hôm anh chăm sóc ba con gái
Đứa chín tuổi, đứa sáu năm còn bé út lên ba

Các con cũng đã quen với những chuyến xa ba
Nên mỗi lần chia tay không đứa nào dám khóc
Chỉ bé lớn một lần ngồi cầu thang lau nước mắt
Bị bé út “lêu lêu” làm chị nó phải cười xòa

Nhưng cái lần cuối này anh đi em thấy điềm rất lạ
Anh đứng dưới sân nhìn lên mắt như đẫm lệ nhòa
Anh đi rồi làm suốt đêm em không sao chợp mắt
Vì có tin quân mình đang đụng giặc tại Hoàng Sa!

Chiều hôm sau tin báo về
Anh đã bị giặc bắn chìm cùng tàu HQ10 - Nhật Tảo!
Sau khi đã phá tan hai chiến hạm của giặc Tàu
Nhưng trừ con lớn, hai đứa sau vẫn không hề hay biết
Ngày nào chúng cũng ngồi chờ: “Ba của chúng con đâu?”

Em khôn xiết khổ đau tháng ngày ngồi ngóng đợi
Và hy vọng thời nay Trời còn có phép màu
Giúp kéo tàu Hộ Tống Hạm lên đưa anh về một buổi
Thăm lại các con thơ cho chúng vợi buồn đau!

Anh ơi!
Ba mươi chín năm rồi! Anh đã tròn tuổi bảy mươi
Các con của chúng ta nay cũng đã thành gia thất
Nhưng em không thể nào tin là anh yêu đã mất
Vì đêm nào em cũng nghe tiếng anh gọi: “Em ơi!”

Khi đươc trở về trời, ai cũng cần nấm đất
Để vợ con ngày tết, ngày mất còn có chỗ cắm nhang
Nay anh nằm dưới biển sâu nơi giặc Tàu cưỡng chiếm
Ba mươi chín năm trời hồn xác dạt lang thang!

Không có anh nhưng vì còn các con, em phải sống!
Rồi bán dần thứ nọ thứ kia để nuôi chúng trưởng thành
Nay nhà ở cũng đang phải chờ, mấy năm liền thuê trọ
Nên chưa có chỗ đặt bàn thờ để treo ảnh của anh!

Anh Thà ơi!
Em nhớ lắm ngày xưa mỗi lần về nghỉ phép
Anh đưa cả bốn mẹ con em tới phố Nguyễn Tri Phương
Ăn ốc luộc chấm mắm gừng mồm út cay bật khóc
Anh cười hiền ôm dỗ con ngó phụng phịu mà thương!

Ôi ước gì em và các con được một lần ra đảo
Để thả 74 vòng hoa tang trên biển cả bao la
Nguyện cầu hương hồn 74 các anh được về quê ăn tết
Để các anh thôi bị giặc Tàu xéo dày giữa Hoàng Sa!

Đến mùa bão, ngư dân ta hay vào Hoàng Sa lánh nạn
Vẫn thường bị quân Trung Quốc đuổi ra giữa biển khơi
Hồn các anh có thiêng xin hãy cứu đồng bào gặp nạn
Vì dân Việt Nam mình còn khổ lắm, các anh ơi!

Ôi giá em đưa được anh về Trảng Bàng như anh từng ao ước
-Nếu anh hi sinh, xin em để xác anh được về lại quê nhà!
-Để được nằm gần má, gần ba, gần ông bà nội ngoại!
Có ai ngờ xác anh nay trôi dạt mãi Hoàng Sa!   

Em không dám mơ các anh sẽ được vinh danh, tạc tượng
Mà chỉ ước biển đảo quê hương không còn giặc xâm lăng!
Cho đất nước bớt lầm than, dân thôi phải bị lao tù oan trái
Để Hoàng Sa sớm trở về Đất Mẹ Cửu Long Giang!

Hà Nội, 18/1/2013
Ts. Đặng Huy Văn

(Nguồn: Blog Nguyễn Tường Thụy)